Tháng Bảy âm lịch, theo tín ngưỡng dân gian của một số quốc gia sử dụng Nông lịch tức lịch Mặt trăng thường gọi đây là tháng “cô hồn” và được coi là một tháng có nhiều điều phải kiêng kị. Trong tháng này và đặc biệt là ngày Rằm tháng Bảy người ta thường tổ chức cúng tế các lễ tiết như tiết Trung nguyên, Vu lan hay Xá tội vong nhân với khá nhiều hình thức trên chùa, tại nhà, ngoài đường ngõ phố.
Đây là một hoạt động tín ngưỡng đã đi vào tâm thức dân gian của người Việt và trở thành một phong tục truyền thống diễn ra hàng năm. Tuy nhiên nguồn gốc, ý nghĩa của các tiết lễ này, mối liên kết và sự khác biệt trong nghi thức thờ cúng thì không hẳn ai cũng hiểu và phân biệt rõ. Vì vậy hãy cùng Hoa Sen tìm hiểu khái lược vấn đề này.
Nguồn gốc các lễ Trung nguyên, Vu lan và Xá tội vong nhân
Trung nguyên (中元) là một tiết của đạo giáo vào ngày 15 tháng 7 Nông lịch. Ngày đó các đạo quán lập “trai tiếu”, tăng tự lập “vu lan bồn trai” (tức đàn chay của những người theo đạo).
Vu lan (hay Vu lan bồn盂蘭盆) tiếng Phạn là Ô Lan Bà Noa (烏藍婆拏) ý nghĩa là “cứu đảo huyền” (tức cứu người bị treo ngược). “Vu lan bồn” còn có nghĩa là nơi đặt bách vị ngũ quả để ban cho tăng chúng và cũng là ân quang của phật tăng để giải thoát kiếp khổ của “ngạ quỷ” (ma đói) bị treo ngược (dưới địa ngục). Theo phong tục ngày 15 tháng 7 tiết Trung nguyên tăng ni kết hội Vu lan bồn, tụng kinh và bố thí đồ ăn.
Xá tội vong nhân (舍罪忘人) theo phong tục của một số nước Á Đông là ngày mở cửa địa ngục ân xá cho các vong linh không nơi nương tựa. Vì thế để các linh hồn lang bạt không quấy nhiễu cuộc sống dương gian người ta thường dâng cúng lễ vật vào ngày rằm tháng 7 để cầu mong sự bình yên.
Như vậy xét về nguồn gốc các tiết lễ này có sự khác biệt khá rõ rệt. Trung nguyên có nguồn gốc từ Đạo giáo, Vu lan có nguồn gốc từ Phật giáo, Xá tội vong nhân lại mang màu sắc dân gian.
Về ý nghĩa, Trung nguyên vốn chỉ một ngày chính giữa của năm, cũng là tiết đánh dấu kết thúc nửa đầu của năm âm lịch. Ban đầu giới tu hành lấy ngày đó để chay tịnh và thiết đàn tế tự, sau dần trở thành ngày lễ dân gian cúng chay và đốt mã để dâng tiến gia tiên.
Vu lan theo truyền thuyết là xuất phát từ câu chuyện kể về sự hiếu hạnh của Bồ tát Mục Kiền Liên muốn cứu mẹ thoát khỏi địa ngục. Theo lời Phật dạy ông đã cung thỉnh chư tăng mười phương hợp sức chú nguyện để cứu độ cho mẹ. Đức Phật thấu cảm lòng thành của ông cùng chư tăng đã cho khai mở lễ này hàng năm vào ngày rằm tháng bảy và dần trở thành truyền thống báo hiếu cha mẹ.
>>> Xem thêm: Lễ vu lan là gì? Nguồn gốc và ý nghĩa
Xá tội vong nhân là ngày chính giữa của “tháng cô hồn”, ngày đó các nhà thường lập bàn tế chay để ban thí cho các vong lang thang không người hương khói.
>>> Xem thêm: Xá tội vong nhân rằm tháng 7, quan niệm và cách cúng
Vì vậy xét về ý nghĩa các lễ này mặc dù không có cùng nguồn gốc nhưng cũng có mối tương quan nhất định, đều lấy ngày rằm tháng bảy để thiết tế chay đàn, phóng sinh, bố thí và hướng về các điều phước thiện.
Về nghi thức, Trung nguyên hay Vu lan đều có thể thực hiện tại chùa hoặc tại nhà. Lễ tại gia cúng chay hoặc mặn tùy tâm theo phước nguyện cốt thể hiện lòng hiếu kính của con cháu với tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
Duy lễ Xá tội vong nhân là xuất phát từ quan niệm ban phước cho các cô hồn chưa được siêu thoát, vì vậy các nhà thường cúng chúng sinh ngoài trời hoặc ngoài đường ngõ, đồ cúng thường là các thứ như cháo, gạo, ngô, khoai, bánh đa, bỏng, muối… để siêu sinh cho những linh hồn không nơi nương tựa.
Tiết Trung nguyên, Vu lan, Xá tội vong nhân trong tâm thức dân gian người Việt
Ngày nay các tiết lễ Trung nguyên, Vu lan hay Xá tội vong nhân vào ngày rằm tháng Bảy đã trở thành sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống của người Việt. Các hoạt động này vừa mang ý nghĩa tâm linh vừa mang ý nghĩa xã hội, là sự kết hợp giữa giáo lý tôn giáo và tín ngưỡng dân gian.
Phan Kế Bính trong sách Việt Nam phong tục viết: Rằm tháng Bảy gọi là Tết Trung nguyên. Ta tin theo sách Phật thường cho hôm ấy là ngày vong nhân xá tội, nghĩa là người dưới âm phủ được tha một ngày hôm ấy. Bởi vậy nhiều nhà mua vàng mã cúng gia tiên, các nhà có người mới mất cũng hay đốt mã làm chay về hôm ấy.
Tục đốt mã là do tự bên Tàu, đời xưa thường dùng đồ ngọc bạch để cúng tế, đời sau dùng tiền để thế cho ngọc bạch. Đến đời vua Huyền Tôn nhà Đường thấy dùng tiền phí lắm mới truyền cho làm tiền giấy mà thay vào tiền thực. Đời Ngũ Đại lại chế thêm áo giấy, mũ giấy mà cúng cấp quỷ thần.
Nguyễn Văn Huyên trong cuốn Hội hè lễ tết của Người Việt cho rằng: Theo tín ngưỡng của người Việt Nam thì con người có hồn và phách (vía). Những linh hồn này tồn tại trong thân thể, khi chết tức là hồn vía bỏ đi. Nhưng cái chết không phải là sự kết thúc, đó chỉ là việc người ta chuyển sang một cõi khác.
Người xưa quan niệm “âm dương đồng nhất thể” (tức trần sao âm vậy), nên bày ra tục cúng tế để tỏ lòng biết ơn báo đáp ông bà cha mẹ và những người thân đã qua đời. Người ta đốt đèn nến để soi sáng bước đi của hồn, đốt tiền vàng để trả tiền đò giang khi xuống âm phủ, cúng đồ ăn thức uống để hồn khỏi đói khát, cúng đốt đồ mã để người âm có cái dùng như lúc sinh thời.
Nhưng trong cõi âm còn có những vong hồn bị bỏ rơi phải lưu lạc hoặc không có người thân thích nên ngày rằm tháng bảy mới có tục cúng vong. Đó là một ngày lễ dân gian lớn theo tín ngưỡng Phật giáo.
Tuy nhiên ngày nay một số quan niệm đang ngày càng tách rời ý nghĩa nguyên bản, thậm chí nhiều người còn nhầm lẫn giữa lễ Vu lan và Xá tội vong nhân là một. Những năm gần đây người Việt ngày càng chú trọng các lễ tiết này nhưng đôi khi trở nên thái quá. Một số người cho rằng tháng 7 âm lịch là “tháng cô hồn” có nhiều điều đen đủi cần kiêng tránh khiến nhiều hoạt động công việc bị đình trệ.
Tục đốt vàng mã cũng bị lạm dụng, tâm lý càng cúng biếu nhiều càng thể hiện sự hiếu kính và nhận được nhiều bổng lộc từ cõi âm khiến cho việc này đang gây ra rất nhiều lãng phí. Thậm chí gần đây nhiều nơi việc cúng vong cô hồn còn biến tướng thành tục “cướp lễ”, “giật cô hồn” làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp nguyên bản của phong tục này.
Trước đây dưới thời Nguyễn, vua Minh Mạng khi cho lập đàn siêu độ ở chùa Thiên Mụ rằm tháng bảy đã nói với quần thần rằng: Đạo Phật lấy tế độ làm trọng, là để giúp cho âm phúc được nhờ. Nay ta sai Bộ Lễ sắm sửa lễ vật đến tiết Trung nguyên truyền cho các sư tập họp ở chùa Thiên Mụ lập đàn tràng thủy lục 21 ngày để siêu độ vong hồn những quan quân ta đã chết vì việc nước.
Phật giáo tuy huyền vi mà chưa chắc đã hiển ứng rõ rệt, nhưng lòng ta tưởng nhớ đến tướng sĩ thì không lúc nào quên. Việc lập đàn chay này cũng là ngụ ý thương xót [của ta], chứ không chỉ là dốc lòng mê tín đạo Phật đâu.
Có thể thấy rõ việc lập đàn tràng chay tế của người xưa trong ngày rằm tháng Bảy mang nhiều ý nghĩa nhân văn. Việc tế lễ không đơn thuần là việc cầu cúng theo mê tín mà thể hiện tấm lòng của người còn sống với người đã khuất, cũng là một dịp để tưởng nhớ công ơn những người đã hy sinh vì đất nước.
Bản chất các lễ tiết này đều mang ý nghĩa hướng thiện, là dịp thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu với ông bà cha mẹ, không chỉ với người quá cố mà còn cả với người đang sống. Đó chính là hạnh hiếu của nhà Phật và tâm hiếu của con người đồng thời cũng là nét đẹp trong truyền thống văn hóa của người Việt Nam.
Hoa Sen – Thắp Sáng Tâm Linh Việt
Fanpage: Hoa Sen Việt Nam
Địa chỉ: Số 04, C13, Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội
Email: daudenhoasen@gmail.com
Liên hệ: 08.8989.6161