Tìm hiểu về đại lễ Phật Đản

lễ phật đản

Đại lễ Phật Đản là một trong ba ngày lễ lớn trong năm của đạo Phật (lễ Phật Đản, lễ Vu lan, lễ Thành đạo) và thường được các chùa tổ chức từ ngày mùng 8 tháng 4 đến 15 tháng 4 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên liệu bạn có biết đại lễ Phật Đản là ngày gì cũng như ý nghĩa của ngày lễ? Hãy cùng Hoa Sen tìm hiểu ngay qua bài viết dưới đây.

Đại lễ Phật Đản là ngày gì?

Đại lễ Phật đản hay là ngày kỷ niệm ngày ra đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni vào năm 623 trước Công nguyên. Đây là lễ hội lớn của những người theo đạo Phật và những người mến mộ đạo Phật cũng như cộng đồng.

Đại lễ Phật đản là dịp không chỉ để tôn vinh Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, mà còn là dịp để ôn lại cuộc đời của Đức Phật trên phương diện một con người lịch sử cùng những lời dạy của ngài.

Theo lịch tổ chức hoạt động trong đại lễ Phật Đản được các chùa công bố đến người dân, Phật tử, các hoạt động dịp đại lễ được tổ chức từ ngày mùng 8 tháng 4 đến ngày 15 tháng 4 âm lịch hàng năm, trong đó, lễ chính được thực hiện vào ngày 15 tháng 4 âm lịch.

đại lễ phật đản

Đức Phật đản sinh ngày nào?

Thượng tọa Thích Trí Chơn, Phó trưởng ban Văn hóa Trung ương GHPGVN, Trưởng ban Văn hóa GHPGVN TP.HCM, viện chủ tu viện Khánh An cho biết, trong kinh văn không nói chuyện cụ thể là Đức Phật đản sinh ngày nào, mà chỉ viết là ngày trăng tròn tháng Vesak.

Theo thượng tọa, ngày trăng tròn tháng Vesak là tháng 2 của Myanmar, là tháng 6 của Thái Lan, Lào, trùng với tháng 5 dương lịch. Ngày trăng tròn cũng không ước lượng chính xác ngày nào, mà chỉ là ước lệ nên có sự chênh lệch.

Bên cạnh đó, sự chênh lệch lịch sử trên 3.000 năm nên ngày Phật đản chính xác là ngày mùng 8 tháng 4 hay 15 tháng 4 âm lịch cũng không được xác định rõ ràng. Thay vào đó, hiện nay, Phật đản không còn là 1 ngày mà GHPGVN tổ chức thành mùa Phật đản, kéo dài từ mùng 8 tháng 4 đến 15 tháng 4 âm lịch.

Theo viện chủ tu viện Khánh An, ở góc độ lý luận khác, Phật giáo Nam truyền gọi lễ Phật đản là đại lễ Vesak – tháng Vesak của Ấn Độ cũng được gọi là lễ tam hợp (tháng Đức Phật ra đời, Đức Phật thành đạo, Đức Phật nhập Niết bàn cùng trong tháng Vesak).

Trong khi đó, Phật giáo Bắc truyền cho rằng Đức Phật ra đời vào tháng 4, Đức Phật nhập Niết bàn vào tháng 2 âm lịch và thành đạo vào tháng chạp. Do vậy, người ta lấy ngày mùng 8 tháng 4 âm lịch là ngày ra đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Tuy nhiên, từ năm 1950, Hội Liên hữu Phật giáo thế giới đã công nhận ngày trăng tròn tháng 4 là ngày Đức Phật ra đời. Từ đó, Phật giáo Việt Nam lấy ngày trăng tròn tức là ngày rằm tháng 4 là ngày quyết định cho đại lễ Phật Đản.

đại lễ phật đản

Ý nghĩa đại lễ Phật đản

Vào ngày lễ, Phật tử thường vinh danh Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng (qua các hình thức như dâng cúng, tặng hoa, đến nghe thuyết giảng), và thực hành ăn chay và giữ Ngũ giới, thực hành bố thí và làm việc từ thiện, tặng quà, tiền cho những người yếu kém trong cộng đồng.

Theo truyền thống Đại lễ Phật đản ở Việt Nam  được Phật giáo tổ chức trang trọng, thành kính. Lễ chính được tổ chức vào ngày rằm tháng 4 âm lịch, Giáo hội các tỉnh thành và các chùa, tịnh xá thường tổ chức các hoạt động để mừng ngày đại lễ như: làm lễ đài để tổ chức chương trình văn nghệ, diễu hành xe hoa, thả đèn hoa đăng trên sông, thuyết giảng về Phật pháp, nghi thức tắm Phật… để những người con Phật tưởng nhớ kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời, Đức phật đã mang ánh sáng chân lý soi rọi vào cuộc sống, xóa tan những nỗi khổ niềm đau.

Vào ngày Phật Đản, các Phật tử không sát sinh, mọi người đều ăn chay, lau dọn vệ sinh nhà cửa và trang trí bàn thờ Phật thật đẹp. Các Phật tử có thể đến chùa để phụ giúp làm công quả, nghe các bài thuyết giảng về cuộc sống, tự chiêm nghiệm về hành động của bản thân để làm cho tâm hồn được thanh tịnh.

Không những thế, trước và trong dịp Đại lễ, Giáo hội Phật giáo các tỉnh thành, các chùa tích cực tổ chức các hoạt động từ thiện, thăm hỏi và tặng quà cho những tăng, ni, Phật tử có uy tín, có công lao với Đạo pháp hoặc những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người tàn tật…. Thông qua các hoạt động này là dịp để mỗi người con Phật nhận diện về vai trò của mình đối với trách nhiệm xây dựng xã hội, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, theo đúng phương châm của đạo Phật “sống tốt đời, đẹp đạo”.

Ngoài ra, thượng tọa Thích Trí Chơn cho hay, trong nguyên bản của bài kinh, khi Đức Phật bước xuống đi 7 bước có 7 hoa sen thì hoa sen biểu trưng cho sự thuần khiết; bên cạnh đó, 7 bước đi cũng thể hiện chân lý lời dạy của Đức Thế Tôn vượt qua không gian (đông, tây, nam, bắc) và vượt thời gian (quá khứ, hiện tại, tương lai). Những lời dạy của ngài không bị lỗi thời theo năm tháng.

Đó cũng là lý do là giáo lý của Đức Thế Tôn thì chỉ có 1, nhưng những người xuất gia tu hành, hôm nay đọc thì hiểu và cảm nhận thế này, nhưng ngày mai khi thời thế khác, cuộc sống biến động, đọc lại thì vẫn có những cảm nhận mới.

Ngoài ra, 7 bước chân của Đức Phật cũng có ý nghĩa là ngài đã đi qua hết cả lục đạo luân hồi gồm: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, người, a tu la, quỷ thần, trời.

Ngày nay, đại lễ Phật đản thường được tổ chức ngay trong trụ sở của Liên Hiệp Quốc vì đạo Phật là biểu tượng của hòa bình, hạnh phúc, an lạc, không có bóng dáng chiến tranh. Tất cả những gì chúng ta đang làm: hòa bình, hạnh phúc, an lạc, cảm thương, tình thương, từ bi đều giúp nâng cao giá trị đạo đức tâm linh.

“Ngày lễ Phật đản với hình ảnh Đức Phật sáng chói trong trái tim mỗi người như lời nhắc nhở, là dịp để chúng ta hoàn thiện chính mình… góp phần vào cuộc đời tươi đẹp”, thượng tọa Trí Chơn chia sẻ.

đại lễ phật đản

Hoa Sen – Thắp Sáng Tâm Linh Việt

Fanpage: Hoa Sen Việt Nam

Địa chỉ: Số 04, C13, Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Email: daudenhoasen@gmail.com

Liên hệ: 08.8989.6161

0
    0
    Giỏ hàng
    Giỏ hàng trống