Xá tội vong nhân rằm tháng 7, quan niệm và cách cúng

xá tội vong nhân

Tín ngưỡng dân gian quan niệm, rằm tháng 7 là dịp mở cửa ngục, ân xá, xá tội vong nhân, nên có lễ cúng cô hồn không nơi nương tựa. Đây cũng là ngày các tù nhân ở địa ngục có cơ hội được xá tội, được trở về cuộc sống trần gian.

Nguồn gốc về xá tội vong nhân

Việc cúng cô hồn bắt nguồn từ truyền thuyết giữa ông A Nan Đà (gọi tắt là A Nan), với con quỷ miệng lửa (diệm khẩu) hay còn gọi là quỷ mặt cháy (diệm nhiên).

Sách Tìm hiểu các ngày lễ tết trong năm (Nhà xuất bản Dân trí ấn hành, năm 2016), tác giả Bùi Sao kể: “Vào một buổi tối A Nan đang ngồi trong tịnh thất thì thấy một con ngạ quỷ thân thể khô gầy, cổ nhỏ mà dài, miệng nhả ra lửa bước vào.

Quỷ tiên báo cho A Nan biết rằng, ba ngày sau ông sẽ chết và sẽ luân hồi vào cõi ngạ quỷ, ở đó lửa cháy to.

A Nan nghe thấy thế hoảng quá, bèn nhờ quỷ bày cho phương cách tránh khỏi cảnh khổ ấy.

Quỷ đói nói: “Ngày mai, ông phải thí cho bọn ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc thức ăn, lại vì tôi mà cúng dường Tam Bảo thì ông sẽ được tăng thọ mà tôi đây cũng sẽ được luân hồi chuyển kiếp”.

A Nan đem chuyện bạch với Đức Phật. Phật bèn đặt cho bài chú gọi là “Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Đà La Ni”, đem tụng trong lễ cúng để được thêm phước, để bố thí và cầu nguyện cho loài quỷ đói miệng lửa, nhưng dân gian thì hiểu rộng ra và trại đi thành cúng cô hồn”.

Nguồn gốc xá tội vong nhân
Xá tội vong nhân bắt nguồn từ truyền thuyết giữa ông A Nan Đà với con quỷ miệng lửa

Ý nghĩa của xá tội vong nhân

Xá tội vong nhân (舍罪忘人) theo phong tục của một số nước Á Đông là ngày mở cửa địa ngục ân xá cho các vong linh không nơi nương tựa. Vì thế để các linh hồn lang bạt không quấy nhiễu cuộc sống dương gian người ta thường dâng cúng lễ vật vào ngày rằm tháng 7 để cầu mong sự bình yên.

Theo Từ điển tiếng Việt (Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành, năm 2003) của Hoàng Phê chủ biên: “xá tội” là tha tội, miễn tội, không bắt phải chịu tội; “vong nhân” là từ chỉ người đã chết.

Như vậy, “xá tội vong nhân” nghĩa là ân xá, tha tội cho các vong nhân. Sách Việt Nam phong tục (Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, năm 2020) của Phan Kế Bính ghi rằng: “Ta thường cho rằng, hôm ấy là ngày vong nhân xá tội, nghĩa là người dưới âm phủ được tha tội vào ngày hôm ấy”.

Trong cuốn Bách khoa thư làng Việt cổ truyền (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành, năm 2021), PGS.TS Bùi Xuân Đính giải thích kỹ hơn về lễ tục này như sau: Xá tội vong nhân là tục lệ có nguồn gốc từ tín ngưỡng dân gian, vong nhân được xá tội trong ngày này là các vong linh không nơi nương tựa, không có thân nhân thờ cúng.

Để các linh hồn lang bạt không quấy nhiễu cuộc sống dương gian, vào ngày rằm tháng Bảy (nhiều địa phương có thể tiến hành trước) phải bày mâm cúng chúng sinh, còn gọi là cúng thí thực (tặng thức ăn) hay cúng cô hồn.

xá tội vong nhân
Xá tội vong nhân là ngày mở cửa địa ngục ân xá cho các vong linh không nơi nương tựa.

Cách cúng xá tội vong nhân

Địa điểm cúng xá tội vong nhân, có thể ở ngoài sân, trước thềm nhà hoặc trên vỉa hè (nếu đường rộng); nhiều xóm, ngõ tổ chức cúng chung tại điếm xóm, đình, chùa hoặc ngã ba đường. Thời gian cúng thường diễn ra vào buổi chiều.

Lễ vật trên mâm cúng cô hồn rất đơn giản, tất cả đều là những món chay gần gũi với người Việt. Bao gồm quần áo giấy với nhiều màu sắc (xanh, đỏ, tím, vàng, hồng), các loại bánh kẹo như bánh đa, bánh bỏng, chè lam, kẹo vừng, kẹo dồi, bánh quế, 12 chén cháo loãng (cháo hoa), tiền vàng mã, nước lã hoặc rượu nếp, chén muối, chén gạo, ngô, khoai lang, khoai tây, các loại quả trong mùa như ổi, thị, na…

PGS.TS Bùi Xuân Đính lưu ý rằng, trên mâm cúng vong nhân tại nhà tuyệt đối không dùng đồ mặn vì sợ đem bày đồ này sẽ làm dậy lòng tham của các cô hồn, sẽ quấy rối gia chủ.

Sau khi cúng cô hồn xong phải thực hiện thủ tục tiễn khách, tức là mời các vong đi, để tránh đưa vong hồn vào nhà, gây nên những tai họa cho gia đình.

Trong cuốn Lễ tục trong gia đình người Việt xưa và nay (Nhà xuất bản Hồng Đức ấn hành, năm 2021), tác giả Bùi Xuân Mỹ cho biết, một số địa phương ngoài cúng ở nhà còn thực hiện cúng vong nhân tại cầu, quán, đình, chùa… gọi là cúng cháo.

Lễ vật có cháo hoa, cơm nắm, hoa quả, bánh bỏng, trầu cau, xôi chè… và đồ vàng mã. Người ta bày lễ vật lên mẹt hay nong, riêng cháo thì múc đổ vào lá mít, lá đa và cuộn thành hình bồ đài.

Khi cúng các cô hồn xong, những người nghèo, trẻ em chia nhau các thứ đó.

cúng xá tội vong nhân
Cúng xá tội vong nhân ở ngoài nhà

Hoa Sen – Thắp Sáng Tâm Linh Việt

Fanpage: Hoa Sen Việt Nam

Địa chỉ: Số 04, C13, Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Email: daudenhoasen@gmail.com

Liên hệ: 08.8989.6161

0
    0
    Giỏ hàng
    Giỏ hàng trống